5 bí kíp mua ô tô cũ đầu năm thành công
Bước cuối cùng trong quá trình “thẩm định” là kiểm tra nguồn gốc của xe. Những chiếc xe ô tô đã qua sử dụng xuất xứ từ rất nhiều nguồn
Nếu không phải là người am tường về xe hơi thì những mẹo đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn tránh rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” khi mua ô tô cũ.
Hiện nay, khá nhiều khách hàng lựa chọn phương án mua ô tô cũ khi cần một chiếc xe phục vụ việc đi lại, vui chơi, du lịch trong dịp Tết. Xu hướng này cũng là điều khá dễ hiểu, bởi không phải khách hàng nào cũng đủ khả năng tài chính để sắm một chiếc xe “đập hộp”. Trong khi đó, việc mua ô tô cũ lại có khá nhiều ưu điểm như không tốn nhiều thời gian, thủ tục, tiết kiệm được chi phí và không phải đóng nhiều thuế. Tuy vậy, bên cạnh những ưu điểm thì việc mua xe cũ cũng khiến cho người mua phải đối mặt với khá nhiều rủi ro tiềm ẩn. Nhiều người ví von việc mua xe cũ như một “canh bạc”. Người may mắn có thể mua được một chiếc xe tốt với giá cả hợp lý. Nếu không may, bạn có thể bị lừa khi mua phải những chiếc xe đã qua “mông má”, xe kém chất lượng. Vì vậy, 5 mẹo đơn giản nhưng cực kì hiệu quả dưới đây sẽ giúp bạn tránh rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang” khi mua ô tô cũ.
1. “Bóc phốt” xe “mông má” đơn giản từ ngoại thất
Ngoại thất là điều quan trọng đầu tiên bạn cần xem xét khi có ý định mua một chiếc xe cũ. Bạn có thể “điều tra” được phần nào về lịch sử và nắm được “sơ bộ” chất lượng của xe thông qua chi tiết này.
Trước hết, bạn cần kiểm tra lần lượt thân xe để xem xe có từng bị “mông má” lại hay có từng bị va đụng hay chưa. Bạn cần kiểm tra các điểm ghép nối ở phần đầu xe, đuôi xe, hốc bánh, mép cửa và thân xe để xác định xe đã bị va chạm hay chưa. Nếu có những đường viền “uốn lượn” hay có hiện tượng khe hở không đồng đều nghĩa là xe đã bị gò lại.
Bên cạnh đó, một yếu tố nữa giúp bạn phân biệt được xe có còn tốt hay không là lớp sơn xe. Nếu trên mặt sơn xuất hiện những đường nứt, bong tróc nhỏ nghĩa là chiếc xe đã được sơn lại. Ngoài ra, sơn rất hay bị lem ở các điểm ghép nối.
Một mẹo nữa giúp bạn phân biệt được xe đã đâm đụng hay chưa là việc quan sát kĩ những đường gân dập nổi trên thân xe. Bởi khi xảy ra va chạm, thường vỏ xe sẽ bị biến dạng và dù có được thợ gò nắn đến đâu thì những đường gân này vẫn không thể “mượt” được như trên xe mới.
Ngoài ra, nếu kĩ hơn, những chi tiết ở gầm xe cũng nên được kiểm tra. Thông thường những xe hay va quệt, đâm đụng, ở một vài bộ phận sẽ xuất hiện dấu hiệu cong vênh, móp méo hoặc sẽ để lại các vết hàn nếu đã sửa lại.
2. Kiểm tra nội thất xe khi mua xe ô tô cũ
Để kiểm tra xe ô tô cũ về độ tuổi và chất lượng xe thì những chi tiết nội thất bên trong ca bin như da, nỉ bọc trên ghế ngồi, vô-lăng, cần số, nút bấm nâng hạ kính, các nút bấm chức năng… cũng là những chi tiết không thể bỏ qua bới đây là những chi tiết thường xuyên được sử dụng.
Đối với xe đi ít, vô-lăng sẽ còn rất mới, không có độ rơ, chi tiết da không bị mòn. Có nhiều xe chủ nhân bọc vô lăng nhưng vết mòn ở 2 điểm tì ngón tay và ngay nút còi là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó, các nút bấm trong xe cũng sẽ bị bong tróc nếu dùng nhiều. Chỉ cần quan sát kỹ, bạn có thể phát hiện được việc các chi tiết này bị sơn lại.
Tình trạng xe cũng được phản ánh ở ghế ngồi. Đối với xe dưới 4 tuổi và đi ít, ghế da sẽ không bị đen, ngồi êm, bề mặt da căng, đàn hồi tốt. Còn nếu đời xe sâu (trên 8 năm) mà có ghế quá mới quá đẹp thì có thể bọc ghế đã được thay vì đa số ghế đều là simili, chất lượng rất bền, không dễ dàng hư hỏng được.
Bạn nên chú ý đến một chi tiết nữa là dây an toàn. Hãy kéo hết dây đai an toàn ra và xem thật kĩ dây có bị ố màu hay không. Điều này sẽ “tố cáo” cho bạn biết thời gian mà xe đã được sử dụng.
Ngoài ra, đồng hồ công tơ mét trên xe cũng là chi tiết bạn không nên bỏ qua. Thông thường, xe gia đình đi khoảng 800 – 1.000km/1 tháng được xem là ít, mức trung bình vào khoảng trên dưới 2.000km/tháng. Tuy nhiên, việc tua đồng hồ là việc cực kì đơn giản nên chi tiết này chỉ nên xem “tham khảo” mà thôi.
3. Kiểm tra động cơ, hệ thống phanh
Phần quan trọng nhất mà bạn cần kiểm tra kĩ khi mua xe ô tô cũ chính là động cơ xe. Xe cũ sẽ không tránh khỏi tình trạng động cơ bị đóng bụi, thậm chí sẽ có màu ngả vàng nếu đã sử dụng lâu năm. Những chiếc xe có động cơ màu đen hoặc trên động cơ thấy nhớt rỉ, thấm ra bên ngoài thì bạn tuyệt đối phải tránh xa. Bởi những chiếc ô tô này thường đã “chinh chiến” khá nhiều và máy đã bị trục trặc. Ngoài ra, bạn nên tránh mua những chiếc xe cũ nhưng động cơ trông “mới tinh” và có lớp như dầu bóng, vì có thể động cơ đã được được người bán “tổng vệ sinh” che dấu vết rò rỉ.
Bên cạnh đó, khi kiểm tra khoang động cơ, bạn mở nắp nhớt nếu thấy hiện tượng như dính bùn, có thể xe đã bị thủy kích, hở gioăng nắp máy hoặc trong nhớt có nước do đường nước làm mát bị vỡ.
Đối với hệ thống phanh, chân phanh là điểm bạn cần chú ý tới. Hệ thống phanh đang có vấn đề nếu có biểu hiện chân phanh quá cứng hoặc phải đạp “sát sàn” mới có tác dụng.
4. Lái thử khi mua xe ô tô cũ
Bước tối cần thiết khi bạn chọn mua xe ô tô cũ là lái thử xe. Đây là bước giúp bạn cảm nhận thực sự chất lượng của xe. Bạn cần chú ý những yếu tố sau khi chạy thử xe.
Về đường thử, chọn đoạn đường có độ dốc, vòng cua sẽ giúp bạn thử được tình trạng hoạt động khi miết chân ga, chân thắng và độ ổn định của vô lăng khi đánh lái.
Hãy tập trung kiểm tra cách xe khởi động, tăng tốc, phanh và vào cua. Âm thanh động cơ, độ rung khi xe chạy, cần được kiểm tra kỹ lưỡng hơn đối với xe đã qua sử dụng. Do vậy, để có được trải nghiệm thực tế nhất, hãy chọn đoạn đường gập ghềnh, sỏi đá.
Cho xe chạy với những tốc độ khác nhau ở cung đường vắng, qua đó bạn sẽ kiểm tra được xe bị lắc hay tay lái bị rung ở khoảng tốc độ nào? Ngoài ra, bạn cũng nên lắng nghe xem khi xe vận hành có bất kỳ tiếng động lạ nào hay không?
Những điều kiện vận hành nêu trên sẽ giúp người lái xe có thể đánh giá một cách tổng quát nhất về khả năng hoạt động của chiếc xe. Lưu ý, bạn nên làm quen xe trước khi lái thử, kiểm tra hệ thống điều chỉnh ghế lái, khả năng hoạt động của hệ thống kính chiếu hậu, hướng vô-lăng… để đảm bảo chiếc xe vẫn hoạt động ổn định.
5. Kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và giấy tờ bảo dưỡng của xe
Bước cuối cùng trong quá trình “thẩm định” là kiểm tra nguồn gốc của xe. Những chiếc xe ô tô đã qua sử dụng xuất xứ từ rất nhiều nguồn khác nhau. Có thể là xe đã qua sử dụng trong nước, xe cũ nhập khẩu, thậm chí có rất nhiều xe có nguồn gốc do trộm cắp. Do đó, để tránh rắc rối về sau, bạn nên thận trọng kiểm tra nguồn gốc và tính pháp lý của chiếc xe đang trong tầm ngắm.
Các thông tin về thay đổi chủ sở hữu hay sự cố, hỏng hóc sẽ được các cơ quan kiểm soát, đăng kiểm hay bảo hiểm lưu giữ thông qua mã số VIN. Để xác minh tính chân thực của xe, bạn có thể dựa trên những cơ sở quan trọng này.
Thêm vào đó, bạn có thể dựa vào chế độ bảo dưỡng của chủ nhân trước đó để xác định một chiếc xe có hoạt động ổn định theo thời gian hay không hoặc xe có bị hỏng hóc nghiêm trọng trong suốt quá trình sử dụng hay không? Nếu phiếu bảo dưỡng này được người bán sẵn sàng cung cấp thì chắc hẳn đây là một tín hiệu tích cực chứng tỏ chiếc xe này được chăm sóc cẩn thận.
Nếu không có phiếu bảo dưỡng thì bạn cũng đừng vội quy chụp xe không tốt. Tất nhiên bạn sẽ cần phải cẩn trọng hơn trong tình huống này. Nếu bạn không yên tâm khi tự mình kiểm tra, hãy nhờ một chuyên gia đáng tin cậy về xe đến kiểm tra toàn bộ trước khi quyết định rước một chiếc xế hộp về để vi vu dịp Tết cùng gia đình.
Leave a Reply